- Polyp đại tràng là một tổn thương có dạng như một u nhú vào lòng đại tràng, thường có bản chất lành tính. Tuy nhiên, polyp đại tràng có nguy cơ tiến triển ác tính sau khoảng thời gian trên 5 năm tùy từng bệnh nhân. Vì vậy, hiện tại nếu nội soi đại tràng phát hiện polyp, bệnh nhân nên cắt bỏ các polyp này qua nội soi.
- Thủ thuật này sẽ được thực hiện trong lúc làm nội soi đại tràng bằng nhiều cách cắt khác nhau tùy theo từng trường hợp. Sau cắt polyp, để đảm bảo cho việc cầm máu tốt, bác sĩ nội soi có thể sử dụng thêm một số phương pháp cầm máu như kẹp clip, dùng vòng thắt endoloop, …
- Viêm gan C mạn hiện nay là bệnh có thể điều trị được, việc điều trị cũng đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây vì chỉ cần điều trị thuốc uống ngoại trú.
- Thuốc điều trị viêm gan C hiện nay cho hiệu quả điều trị cao, thời gian điều trị chỉ 12 tuần và đã được nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế.
- Nội soi sàng lọc ung thư sớm là kĩ thuật nội soi sử dụng máy soi có độ phân giải cao, có khả năng phóng đại tổn thương, nhiều chế độ màu sắc cùng với sử dụng các loại thuốc nhuộm đặc biệt để tăng khả năng phát hiện và đánh giá các tổn thương nghi ngờ ác tính ở giai đoạn sớm.
- Những bệnh nhân có một số tổn thương đơn độc nghi ngờ, tổn thương kiểu lan tỏa hoặc có nhu cầu đều có thể thực hiện kĩ thuật này.
- Hiện nay có hai phương pháp chính tại bệnh viện có thể dùng để kiểm tra tình trạng nhiễm H.pylori ở dạ dày: nội soi dạ dày làm CLO-test và test thở 13C. Test thở 13C giúp tránh làm nội soi dạ dày, được sử dụng ở những bệnh nhân sau điều trị H.pylori mà kết quả nội soi trước đó không có thương tổn cần nội soi kiểm tra lại.
- Muốn kiểm tra được H.pylori, bệnh nhân cần ngừng uống thuốc kháng sinh ít nhất 4 tuần trước đó, ngừng uống các thuốc ức chế tiết acid dạ dày (nhóm ức chế bơm proton) ít nhất 2 tuần trước đó.
- Khi phát hiện nhiễm virus viêm gan B mạn thông qua làm xét nghiệm sàng lọc hoặc tình cờ phát hiện khi thăm khám các bệnh lý khác, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn theo dõi và điều trị.
- Người bệnh nhiễm virus viêm gan B mạn cần được làm một số đánh giá về tình trạng tổn thương gan trước khi quyết định điều trị. Nếu chưa đủ chỉ định dùng thuốc thì bệnh nhân sẽ được hướng dẫn theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng tùy trường hợp cụ thể. Nếu có chỉ định dùng thuốc kháng virus viêm gan B thì bệnh nhân cần dùng thuốc kéo dài và tuân thủ chặt chẽ liệu trình theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.