• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

23

09

Triển Khai Điều Trị Suy Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới Bằng Laser Nội Mạch Tại Bệnh Viện Trường Đại Học Y Dược Huế

23-09-2024 Ths.Bs. Nguyễn Vũ Phòng

1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính là bệnh lý phổ biến, gặp ở nữ giới nhiều gấp 3 lần nam giới. Suy giãn tĩnh mạch do các van tĩnh mạch bị hỏng, máu trong hệ thống tĩnh mạch bị ứ đọng ở chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch khiến nó bị giãn ra. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển và gây nhiều cảm giác khó chịu cũng như ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân, đặc biệt là nữ giới.

Một số ngành nghề, công việc như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên… đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều có tỷ lệ người mắc bệnh cao hơn. Người béo phì, ít vận động hoặc làm việc mang vác nặng… cũng dễ bị giãn tĩnh mạch.

2. Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chân

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua. Người bệnh có cảm giác nặng chân, chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… Người bệnh cũng có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện (spider vein) hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da. 

Suy giãn tĩnh mạch

Nếu không điều trị sớm, chân người bệnh sẽ phù ở mắt cá hay bàn chân, thay đổi màu sắc da do máu tĩnh mạch ứ trệ lâu ngày, các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên. Biến chứng của giãn tĩnh mạch gồm: tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng. Kết hợp với tình trạng loét do thiểu dưỡng có thể tạo nên những ổ loét, nhiễm trùng…

Giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

3. Chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới

Khám lâm sàng: Suy giãn tĩnh mạch có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của người bệnh.

Siêu âm Doppler mạch máu: xác định chẩn đoán khi ghi nhận dòng trào ngược qua van tĩnh mạch với thời gian kéo dài >0.5 giây ở tĩnh mạch hiển.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường là bệnh mạn tính, cần phối hợp nhiều biện pháp gồm thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, mang tất áp lực với các biện pháp can thiệp gồm nội khoa, can thiệp nội mạch và ngoại khoa. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chọn phương pháp phù hợp, giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Thay đổi lối sống và phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân

Người bệnh được khuyên tránh đứng hoặc ngồi lâu tại chỗ, thực hiện các bài tập suy giãn tĩnh mạch, để chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập hít thở chủ động, chế độ ăn có nhiều chất xơ tránh táo bón, béo phì…, mang vớ (tất) áp lực chuyên dụng.

Điều trị nội khoa

Các loại thuốc làm tăng độ vững bền thành tĩnh mạch như daflon, ginko biloba, vitamin C giúp cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, hỗ trợ ổn định sau các điều trị nội mạch.

Laser can thiệp nội mạch

Bác sĩ sẽ luồn dây dẫn năng lượng Laser vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau khi xác định đầu của dây dẫn nằm đúng vị trí cần điều trị, năng lượng nhiệt tạo ra ở đầu của dây dẫn sẽ tạo phản ứng làm xơ nội mạc, thành mạch thu nhỏ lại, teo dính lòng tĩnh mạch. Dây dẫn sẽ được kéo lùi từng khoảng 1cm trong quá trình dây dẫn phát năng lượng, cho đến khi kéo lùi hoàn toàn ra khỏi tĩnh mạch.

Laser NeoV 1470 là hệ thống tiên tiến, hiện chỉ có một vài bệnh viện ở miền Trung thực hiện được. Điều trị Laser nội mạch có nhiều ưu điểm: Không gây mê, không phẫu thuật, ít sẹo xấu, đi lại ngay sau can thiệp, sinh hoạt bình thường sau điều trị.


Triển khai kỹ thuật điều trị Suy tĩnh mạch bằng Laser nội mạch tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

4. Chăm sóc và theo dõi sau can thiệp nội mạch bằng Laser điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới

Băng thun hoặc vớ (tất) tĩnh mạch ngày đầu sau phẫu thuật, thủ thuật và khi đứng dậy, đi lại ở những ngày sau. Vớ tĩnh mạch được khuyên tiếp tục sử dụng 10 ngày đến 3 tháng để tránh tình trạng phù chân. Bệnh nhân cần được tái khám, kiểm tra siêu âm sau 1 tháng, 6 tháng và mỗi 1-2 năm.

Tác dụng của tất áp lực

Các biện pháp phòng tránh bệnh như không ngồi, đứng lâu tại chỗ, tập vận động cơ cẳng chân, mang vớ (tất) áp lực… vẫn tiếp tục được bác sĩ khuyến cáo thực hiện.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Can thiệp nội mạch điều trị huyết khối tĩnh mạch chủ-chậu phức tạp tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế
Xem tiếp...
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Yêu cầu báo giá mua sắm kệ, tủ, giường thủ thuật

04-11-2024

Tin cập nhật