• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Hotline
0962871919
Phòng TC-HC
(0234)3847146

17

03

Hiểu đúng về xét nghiệm ANA trong chẩn đoán bệnh tự miễn

17-03-2025 ThS.BS. Nguyễn Thị Huyền - Khoa Hoá sinh và Miễn dịch

1. Xét nghiệm ANA là gì?

ANA (Antinuclear Antibody) là một nhóm các tự kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra khi không phân biệt được giữa các thành phần của “bản thân” và “không phải bản thân”. Các tự kháng thể này có thể tấn công các cấu trúc nhân tế bào, bao gồm DNA, RNA và protein, dẫn đến các bệnh lý viêm và tự miễn.

Xét nghiệm ANA là một xét nghiệm giúp phát hiện sự hiện diện của các kháng thể kháng nhân trong máu. Kết quả xét nghiệm này hỗ trợ trong chẩn đoán một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögren, viêm đa cơ, xơ cứng bì và các bệnh mô liên kết khác.

2. Xét nghiệm ANA được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm ANA thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn, đặc biệt khi có các triệu chứng như:

-Mệt mỏi kéo dài

-Sốt không rõ nguyên nhân

-Đau khớp

-Đau cơ

-Phát ban da, đặc biệt là ở mặt

-Da nhạy cảm với ánh sáng

-Rụng tóc

-Rối loạn chức năng cơ quan (thận, phổi, tim)

Ban hình cánh bướm trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lupus/symptoms-causes/syc-20365789)

Vị trí đau khớp thường gặp trong viêm khớp dạng thấp (Nguồn: https://www.professionalpt.com/pain-treatment/wrist-hand/rheumatoid-arthritis-treatment/)

 3. Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện ANA

Xét nghiệm ANA được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch, sau đó phát hiện bằng các kỹ thuật sau:

-Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA: Immunofluorescence assay): Quan sát và phát hiện ANA dưới kính hiển vi huỳnh quang.

-Kỹ thuật ELISA (Enzyme-Linked Immunosorbent Assay): Phát hiện ANA thông qua sự thay đổi màu sắc do tác dụng enzyme.

Lấy máu tĩnh mạch làm xét nghiệm ANA (Nguồn: https://diag.vn/en/medical-information/ana-test/)

4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm ANA

Kết quả xét nghiệm ANA dương tính không xác định chẩn đoán nhưng nó lại gợi ý cho bác sĩ về khả năng mắc bệnh tự miễn. Các bệnh lý tự miễn sau thường có ANA dương tính bao gồm:

- Lupus ban đỏ hệ thống

- Xơ cứng bì

- Viêm đa cơ

- Hội chứng Sjögren

- Viêm khớp dạng thấp

- Bệnh Addison

- Viêm gan tự miễn

Bảng về độ nhạy của ANA trong một số bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn

Độ nhạy (%)

Lupus ban đỏ hệ thống

93

Xơ cứng bì

85

Viêm đa cơ

61

Viêm khớp tự phát thiếu niên

57

Viêm khớp tự phát thiếu niên có viêm màng bồ đào

80

Hội chứng Sjögren

48-73

Viêm khớp dạng thấp

41

Kết quả ANA âm tính chứng tỏ không tìm thấy kháng thể kháng nhân trong máu và ít có khả năng mắc bệnh tự miễn, tuy nhiên kết quả này chưa loại trừ hoàn toàn khả năng mắc bệnh. Vì vậy, kết quả xét nghiệm ANA cần được kết hợp với lâm sàng và các xét nghiệm khác để giúp cho chẩn đoán chính xác hơn.

5. Lưu ý khi xét nghiệm ANA

ANA dương tính có thể phát hiện ở những người khỏe mạnh với tỷ lệ khoảng 3-15% và tỷ lệ này tăng lên 10-37% ở những người trên 65 tuổi.

ANA cũng có thể xuất hiện ở một số tình trạng như nhiễm trùng mạn tính, viêm gan siêu vi, bệnh lý ác tính hoặc do một số thuốc điều trị (procainamide, hydralazine, phenytoin).

6. Kết luận

Xét nghiệm ANA là một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán các bệnh tự miễn nhưng cần đánh giá cùng các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Nếu cần tư vấn hoặc thực hiện xét nghiệm ANA, xin vui lòng liên hệ:

Khoa Hóa sinh và Miễn dịch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

Số điện thoại: 02343969520

Email: khoa.xetnghiem@bv.huemed-univ.edu.vn.                                                        

Tài liệu tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lupus/symptoms-causes/syc-20365789

2. https://www.professionalpt.com/pain-treatment/wrist-hand/rheumatoid-arthritis-treatment/

3. https://diag.vn/en/medical-information/ana-test/

4. Shiboski SC, Shiboski CH, Criswell L, et al. American College of Rheumatology classification criteria for Sjögren‘s syndrome: a data-driven, expert consensus approach in the Sjögren’s International Collaborative Clinical Alliance cohort. Arthritis Care Res 2012;64:475–87.

5. Pisetsky DS, Bossuyt X, and Meroni PL. ANA as an entry criterion for the classification of SLE. Autoimmunity Reviews 2019; 181(2);102400.

6. Li H, Zheng Y, Chen L. High titers of antinuclear antibody and the presence of multiple autoantibodies are highly suggestive of systemic lupus erythematosus. Sci Rep. 2022:1687-1695.

CÙNG CHUYÊN MỤC
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Công nghệ thông tin

Tiếp nhận báo giá màn hình máy vi tính

11-04-2025
Phòng Vật tư thiết bị - Cơ sở vật chất

Mua sắm khung Inox 304

11-04-2025
Phòng Vật tư thiết bị - Cơ sở vật chất

Mua sắm bình nóng lạnh 15L

11-04-2025
Phòng Vật tư thiết bị - Cơ sở vật chất

Thông báo chào mời giá Mua Tuýp ly tâm nhựa 1.5ml

10-04-2025

Tin cập nhật