Hưởng ứng Ngày Rửa tay toàn cầu 15/10
Ngày 15 tháng 10 hàng năm được Liên hợp quốc lựa chọn là ngày “Rửa tay toàn cầu” nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng của việc vệ sinh tay như một cách dễ dàng, hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tật. Chủ đề cho ngày “Rửa tay toàn cầu” năm 2023 là “Bàn tay sạch trong tầm tay” (Clean hands are within reach). Chủ đề năm nay tiếp nối sáng kiến toàn cầu gần đây cho biết thông qua sự lãnh đạo và nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận và thực hành vệ sinh tay cho mọi người. Bất cứ ai đều có vai trò quan trọng để đảm bảo việc có bàn tay sạch trong tầm tay.
Tại sao chúng ta cần quan tâm đến vệ sinh tay?
Trong môi trường bệnh viện, ngoại trừ sự chăm sóc trực tiếp từ nhân viên y tế, phần lớn thời gian người bệnh và người nhà cần tự chăm sóc. Và trong quá trình chăm sóc, không tránh khỏi lây nhiễm chéo từ các tác nhân gây bệnh xung quanh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, không chỉ là trách nhiệm của những người làm trong ngành y tế mà còn là của cả người dân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ,... Thường xuyên rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn tay nhanh cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, Adeno virus, cúm, giun sán…Thường xuyên vệ sinh tay là biện pháp đơn giản, dễ làm và hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm
Vệ sinh tay làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện ở người bệnh và nhân viên y tế. Nghiên cứu can thiệp điển hình của Semmelweis thực hiện năm 1847 cho thấy tỷ lệ tử vong ở sản phụ giảm từ 18% xuống 5% sau ít tháng triển khai rửa tay khử khuẩn bắt buộc bằng dung dịch chloride.
Gần đây, nhiều nghiên cứu tại những khu vực lâm sàng khác nhau cho thấy thực hiện tốt vệ sinh tay làm giảm 30% - 50% nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tóm lại, vệ sinh tay giúp loại bỏ hầu hết vi sinh vật có ở bàn tay, có tác dụng ngăn ngừa lan truyền các tác nhân nhiễm khuẩn từ người bệnh sang người bệnh, từ người bệnh sang nhân viên y tế và ngược lại. Đây là biện pháp đảm bảo an toàn cho mọi người trong thực hành chăm sóc và điều trị người bệnh.
Các thời điểm vệ sinh tay thường quy
Mọi đối tượng trực tiếp chăm sóc người bệnh cần rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc chà tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn vào những thời điểm sau
- Trước khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi người bệnh
- Trước khi thực hiện mỗi thủ thuật sạch/vô khuẩn
- Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể
- Sau khi tiếp xúc trục tiếp với mỗi người bệnh
- Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh
Ngoài ra, các thời điểm chăm sóc sau cũng cần vệ sinh tay
- Khi chuyển từ chăm sóc bẩn sang chăm sóc sạch trên cùng người bệnh
- Trước khi mang găng và sau khi tháo găng
- Trước khi vào buồng bệnh và sau khi ra khỏi buồng bệnh
- Mọi NVYT trong buồng phẫu thuật không trực tiếp động chạm vào NB (phụ mê, chạy ngoài, học viên…) phải VST trước khi vào buồng phẫu thuật. Trong buồng phẫu thuật, bất kỳ khi nào bàn tay chạm vào bề mặt thiết bị phương tiện phải VST ngay bằng dung dịch VST chứa cồn.
Kỹ thuật vệ sinh tay thường quy
Dù VST bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn cần thực hiện theo kỹ thuật 6 bước:
- Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
- Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 3916/QĐ – BYT hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh
2. https://globalhandwashing.org/global-handwashing-day/community-forum/
3. https://giaan115.com/tin-tuc/cung-tang-toc-hanh-dong-bao-ve-su-song-hay-ve-sinh-tay