1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polyp, hoặc thâm nhiễm, dễ chảy máu.
Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. UTCTC có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.
2. Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung?
Theo các nghiên cứu, 99.7 % các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của vi rút gọi là Human Pappiloma Virus thuộc týp nguy cơ cao.
Human Papilloma Virus (còn gọi là vi rút HPV) là loại vi rút với hơn 100 týp, trong đó có khoảng 15 týp có khả năng gây ung thư gọi là týp “nguy cơ cao” và phổ biến nhất là các týp HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là týp 31 và 45.
3. Cách lây truyền HPV?
HPV là loại vi-rút lây truyền qua quan hệ tình dục và ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da cũng đã có thể lây nhiễm. Vì vậy, hầu như bất cứ phụ nữ nào có sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV. Nguy cơ lây nhiễm HPV bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời. Người ta ước tính rằng có đến 80% phụ nữ có hoạt động tình dục, không kể tuổi tác, sẽ có 1 đợt nhiễm HPV trong đời. Nói cách khác, trong suốt cuộc đời mình, mọi phụ nữ có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ mắc phải loại vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung.
4. Triệu chứng nhiễm HPV?
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không gây triệu chứng gì và có thể tự khỏi sau đó vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm HPV týp nguy cơ cao có thể tồn tại lâu dài, làm biến đổi tế bào cổ tử cung một cách bất thường, không kiểm soát, gây ra các tổn thương từ mức độ thấp và cao rồi tiến triển dần thành ung thư. Tiến trình này có thể mất hơn 10 năm.
5. Phòng ngừa như thế nào?
Có hai biện pháp dự phòng: dự phòng cấp 1 và dự phòng cấp 2. Dự phòng cấp 1 là tiêm ngừa bằng vắc-xin ngăn chặn sự lây nhiễm virút HPV nguy cơ cao. Dự phòng cấp 2 là tầm soát định kỳ bằng phết tế bào CTC (còn gọi là tế bào CTC – âm đạo) và xét nghiệm HPV nhằm phát hiện sớm nhiễm HPV nguy cơ cao và các tổn thương bất thường để có biện pháp điều trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển ở những giai đoạn muộn thì khả năng tử vong cao.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung cấp 1: là ngăn chặn nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung và giáo dục sức khỏe, ngăn ngừa lây nhiễm HPV nguy cơ cao.
6. Hiện nay có vaccine nào ngừa ung thư cổ tử cung?
Chính xác là hiện nay có vaccine ngừa nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
- Cervarix: vaccine nhị giá ngừa nhiễm HPV type 16 và 18 (chiếm 70% UTCTC)
- Gardasil: vaccine tứ giá ngừa nhiễm HPV type 16, 18 và HPV type 6, 11 (gây bệnh mào gà).
7. Đối tượng nào có thể tiêm vaccine HPV?
- Cervarix: nữ từ 10 đến 25 tuổi
- Gardasil: nữ từ 9 đến 26 tuổi
8. Nếu đã có quan hệ tình dục có tiêm vaccine HPV được không?
- Phụ nữ từ 9, 10 đến 25, 26 tuổi cho dù có quan hệ tình dục, đã có con hoặc đã từng nhiễm HPV vẫn có thể tiêm ngừa vaccine HPV
9. Lịch tiêm vaccine như thế nào?
Tiêm vaccine HPV 3 mũi đủ bảo vệ và lịch tiêm sẽ là:
- Cervarix: 0, 1, 6 tháng
- Gardasil: 0, 2, 6 tháng
10. Nếu không tiêm đúng lịch có ảnh hưởng gì không?
Tốt nhất thực hiện đúng lịch hẹn, nếu bận có thể tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất > 1 tháng (đối với cervarix) và > 2 tháng (đối với gardasil). Mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất > 6 tháng. Tuy nhiên nên hoàn tất 3 mũi tiêm trong 2 năm.
11. Khi mang thai có tiêm vaccine HPV được không?
Không tiêm vaccine HPV khi mang thai, nếu đang tiêm vaccine HPV mà có thai thì nên ngưng lại và chờ sau sinh sẽ tiêm những mũi kế tiếp.
Nếu lỡ tiêm vaccine HPV và phát hiện mang thai thì cũng không có khuyến cáo phải bỏ thai.
12. Có cần làm xét nghiệm Pap smear và HPV trước khi tiêm vaccine HPV?
Không cần làm xét nghiệm HPV và pap smear trước khi quyết định tiêm vaccine HPV.
13. Tiêm vaccine HPV có tác dụng phụ gì?
Vaccine HPV khá an toàn, đã được nghiên cứu và vẫn đang tiếp tục theo dõi. Tác dụng phụ có thể có:
- Sưng nóng, đỏ đau nơi tiêm
- Sốt nhẹ
Những tác dụng phụ này thường nhẹ và thoáng qua. Những tác dụng phụ hiếm gặp khác như nhức đầu, ngất xỉu, viêm tủy cắt ngang (rất hiếm).
14. Sau tiêm vaccine có cần làm xét nghiệm tế bào CTC (Pap smear) và HPV tầm soát ung thư cổ tử cung?
Tiêm vaccine HPV không thay thế được việc tầm soát UT CTC bằng HPV và Pap smear. Để bảo vệ toàn diện ung thư cổ tử cung cần kết hợp tiêm vaccine HPV và tầm soát định kỳ bằng HPV test và xét nghiệm tế bào CTC (Pap smear). Ngoài ra việc khám phụ khoa định kỳ còn có thể phát hiện các bệnh lý phụ khoa khác (u xơ tử cung, u buồng trứng, viêm nhiễm đường sinh dục)...
15. Sau tiêm 3 mũi vaccine HPV có cần tiêm nhắc không?
Hiệu quả bảo vệ của vaccine HPV kéo dài sau khi hoàn tất 3 mũi tiêm. Không có khuyến cáo cần thiết phải tiêm nhắc lại sau 3 mũi tiêm này.
Tổng hợp và trình bày: PGS.TS. Đặng Công Thuận
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế