Tình trạng mổ lấy thai (MLT) ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới tăng từ 6,7% (năm 1990) lên 19,1% (năm 2014) trong khi tỷ lệ mổ lấy thai tối ưu là 15%. Với sự gia tăng nhanh chóng, MLT cùng với các nguy cơ và biến chứng của nó cũng chiếm tỷ lệ cao hơn, trong đó khuyết sẹo mổ lấy thai là tình trạng có liên quan đến nhiều vấn đề lâm sàng được chú ý hơn cả. Khuyết sẹo mổ lấy thai được ghi nhận ở 50 - 60% phụ nữ sau sinh mổ.
Khuyết sẹo mổ lấy thai (KSMLT) được định nghĩa là sự gián đoạn của cơ tử cung tại vị trí phẫu thuật lấy thai, có thể quan sát được khi kiểm tra bằng siêu âm từ 6 - 12 tháng sau mổ. Đây có thể là nguyên nhân gây rong kinh hoặc ra máu bất thường từ tử cung cũng như tăng nguy cơ tai biến sản khoa trong những lần mang thai tiếp theo, bao gồm vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai làm tổ ở sẹo mổ cũ hay vô sinh thứ phát. Một số yếu tố trong sự hình thành KSMLT bao gồm: (1) Vị trí phẫu thuật tại tử cung, (2) Kỹ thuật mổ lấy thai, (3) Sự dính sớm của sẹo tử cung với thành bụng trước và (4) Cơ địa bệnh nhân.
Triệu chứng thường gặp của KSMLT bao gồm chảy máu bất thường từ tử cung (chiếm 28,9 đến 82%), đau (thống kinh, đau vùng chậu mạn tính và đau khi giao hợp) và vô sinh thứ phát. Siêu âm đường âm đạo là lựa chọn đầu tay và phổ biến nhất được dùng để đánh giá tính toàn vẹn của thành tử cung. KSMLT trên siêu âm được mô tả có hình tam giác, hồi âm trống, phần đáy thông với buồng tử cung hoặc có thể có hình dạng khác như: hình chêm, dạng vết lõm, đường lõm. Siêu âm bơm nước buồng tử cung, chụp phim tử cung – vòi tử cung có thuốc cản quang (HSG), chụp cộng hưởng từ (MRI) và soi buồng tử cung là những xét nghiệm có thể sử dụng để phát hiện KSMLT.
Nguyên tắc điều trị KSMLT bao gồm: theo dõi không xử trí, điều trị bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật (phẫu thuật cắt tử cung, nội soi ổ bụng, soi buồng tử cung qua ngả âm đạo). Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước KSMLT, mức độ nặng triệu chứng lâm sàng, tình trạng vô sinh thứ phát và kế hoạch mang thai của bệnh nhân.
Trong trường hợp KSMLT được phát hiện tình cờ không triệu chứng và bệnh nhân không có kế hoạch sinh con trong tương lai, khuyến cáo theo dõi lâm sàng và không can thiệp gì. Những phụ nữ có độ dày lớp cơ tử cung còn lại ≥ 3 mm, đã có nghiên cứu ghi nhận điều trị sau 3 chu kỳ uống thuốc tránh thai có thể hết triệu chứng chảy máu giữa chu kỳ kinh. Tuy nhiên, kết quả này còn chưa thống nhất.
Phẫu thuật nội soi buồng tử cung xử lý KSMLT khuyến cáo nên thực hiện ở phụ nữ được chẩn đoán KSMLT có triệu chứng lâm sàng và độ dày lớp cơ tử cung còn lại > 3 mm. Kỹ thuật là cắt bỏ mô sợi từ cạnh dưới của khuyết sẹo, tạo độ liên tục từ vết sẹo đến cổ tử cung giúp cải thiện quá trình thoát dịch nhầy và máu từ khuyết sẹo, ngăn ngừa sự ứ đọng máu kinh. Đồng thời, sự cắt lọc cho phép loại bỏ các mô viêm và tắc nghẽn, ngăn chặn quá trình tiết dịch và máu tại chỗ. Phương pháp cải tiến là đốt tổn thương tại vị trí sẹo mổ nhằm hạn chế tiết dịch tại chỗ với điều kiện phần cơ tử cung còn lại ít nhất 3 mm.
Ưu điểm của phương pháp này là cung cấp hình ảnh rõ ràng về KSMLT, dễ dàng sửa chữa khiếm khuyết, tỷ lệ cải thiện bệnh dao động từ 59,6% đến 100%, tỷ lệ giải quyết triệu chứng ra máu giữa chu kỳ kinh được báo cáo trên 72,4% trường hợp. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, tiết kiệm thời gian, tỷ lệ tái phát triệu chứng thấp. Biến chứng có thể gặp bao gồm: thủng tử cung, chấn thương bàng quang, tuy nhiên ít gặp.