1. Giới thiệu
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên trong đó tổn thương lao phổi thường gặp nhất, là bệnh dễ lấy nhiễm qua đường hô hấp từ chất thải (đàm, nước bọt…) người nhiễm bệnh ho, hắt hơi…. Theo Tổ Chức Y tế Thế giới, ước tính khoảng một phần tư dân số toàn cầu đã bị nhiễm vi khuẩn lao, khoảng 5 -10% số người nhiễm lao phát triển thành bệnh lao. Năm 2021, trên toàn thế giới ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc bệnh lao và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao (trong đó có 187.000 người nhiễm HIV); bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 13 và là nguyên nhân truyền nhiễm gây tử vong đứng thứ hai sau COVID-19 (trên HIV và AIDS). Bệnh lao đa kháng thuốc (Multidrug-Resistant Tuberculosis: MDR-TB) vẫn luôn là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và an ninh y tế. Bệnh lao có thể điều trị và phòng ngừa được, nhưng chỉ có khoảng 1 trong 3 người mắc bệnh lao kháng thuốc được điều trị vào năm 2021.
Nuôi cấy định danh vi khuẩn lao là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán, nhưng cho kết quả chậm và có thể mất 2 - 8 tuần tùy theo kỹ thuật nuôi cấy. Kỹ thuật nhuộm soi tìm trực khuẩn kháng acid cồn (Acid Fast Bacilli: AFB) tuy cho kết quả nhanh và ít tốn kém nhưng không đặc hiệu và độ nhạy thấp, do đó có thể bỏ sót các trường hợp lao dương tính thật, các bệnh nhân này sẽ làm lây lan bệnh lao trong cộng đồng.
Chẩn đoán nhanh lao và lao kháng thuốc rifampin (RIF) là cần thiết để điều trị sớm cho bệnh nhân và quản lý bệnh hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh lao, lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc (Extensively Drug Resistant Tuberculosis: XDR-TB).
1.1. Xét nghiệm Truenat
Xét nghiệm Truenat phát hiện lao và lao kháng RIF dựa trên nguyên lý kỹ thuật khuếch đại gen (Polemerase Chain Reaction - PCR) tự động, gồm 2 hệ thống máy riêng biệt (Hình 1): máy Trueprep để tách chiết DNA từ mẫu đàm và máy Truelab khuếch đại gene xác định MTB, nếu dương tính tiếp tục xác định lao kháng RIF. Hệ thống Truenat nhỏ gọn nên có thể di chuyển dễ dàng, phù hợp cho việc thực hiện mẫu ở cộng đồng.
1.2. Xét nghiệm GeneXpert (Xpert)
Xét nghiệm Xpert được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng trong chẩn đoán bệnh lao hiện nay. Xpert MTB/ RIF là một kỹ thuật sinh học phân tử hoàn toàn tự động và khép kín bên trong Cartridges mang tính đột phá. Mỗi Module Xpert hoạt động như một máy real-time PCR hoàn chỉnh, tích hợp 3 công nghệ gồm tách chiết DNA, khếch đại gene đặc hiệu cao và phân tích báo cáo kết quả (Hình 2). Xét nghiệm Xpert có độ nhạy và độ đặc hiệu cao và do thực hiện trong một hệ thống khép kín nên tránh được nguy cơ nhiễm chéo.
Xét nghiệm Xpert cho kết quả nhanh sau khoảng 2 giờ, phát hiện đồng thời ca bệnh có nhiều hay ít vi khuẩn lao và có hay không lao đa kháng thuốc (vì hầu hết các trường hợp kháng RIF đồng thời kháng INH (isoniazid)).
Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhằm đánh giá vai trò của xét nghiệm GeneXpert trong chẩn đoán bệnh lao phổi, đặc biệt ở những đối tượng có xét nghiệm AFB đờm âm tính, kết quả cho AFB trực tiếp trong đờm dương tính chỉ 3% bệnh nhân, nhưng kết quả GeneXpert MTB/RIF dương tính chiếm 7,6% trong tổng số đối tượng nghiên cứu và 4,8% nhóm có xét nghiệm AFB đờm âm tính.
2. Chẩn đoán lao nhanh bằng Xpert MTB/RIF tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế
Từ tháng 3 năm 2023, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế được Chương trình Chống Lao Quốc gia (CTCLQG) và Tổ chức FIT (Friends for International Tuberculosis Relief) hỗ trợ thực hiện dự án PPM Model 5 nhằm tăng cường phối hợp y tế - công tư trong phòng chống lao, phát hiện sớm lao/ lao kháng thuốc cho bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Trường với máy Truenat MTB/RIF và máy Xpert MTB/RIF (Hình 3).
2.1. Các loại bệnh phẩm
Loại bệnh phẩm |
Thể tích |
Đờm |
1-4 ml |
Dịch dạ dày |
10-30 ml |
Dịch soi phế quản |
10-30 ml |
Dịch não tủy |
≥100 µl |
Phân |
Khoảng 5g |
2.2. Đối tượng được chỉ định xét nghiệm Xpert MTB/RIF
2.2.1. Chẩn đoán lao (TB1-4)
1. Người có HIV nghi lao.
2. Nhóm trẻ em nghi lao.
3. Nhóm nghi lao phổi.
4. Nhóm nghi lao ngoài phổi (lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao khớp…).
2.2.2. Chẩn đoán lao đa kháng (MDR 1-8)
1. Thất bại phác đồ không kháng RIF.
2. Người nghi lao hoặc bệnh lao có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng (MDR-TB).
3. Không âm hoá đờm sau 2-3 tháng điều trị phác đồ không kháng RIF.
4. Tái phát phác đồ không kháng RIF hoặc phát đồ kháng RIF.
5. Điều trị lại sau bỏ điều trị phác đồ không kháng R hoặc khoáng R
6. Người bệnh lao mới có HIV (+).
7. Người nghi lao có tiền sử dụng thuốc lao trên 1 tháng.
8. Người bệnh lao phổi mới.
2.2.3. Đối tượng khác: Sàng lọc chủ động (theo phân loại chẩn đoán trên)
2.3. Đối tượng được chỉ định xét nghiệm Xpert MTB/RIF lần 2 nếu kết quả lần 1 MTB (+)/RIF (+)
2.3.1. Chẩn đoán lao (TB1-4)
1. Người có HIV nghi lao.
2. Nhóm trẻ em nghi lao.
3. Nhóm nghi lao phổi.
4. Nhóm nghi lao ngoài phổi (lao màng não).
2.2.2. Chẩn đoán lao đa kháng (MDR6, MDR8)
6. Người bệnh lao mới có HIV (+).
8. Người bệnh lao phổi mới.
Trong khoảng thời gian 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2023, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện phổi Thừa Thiên Huế, Khoa Vi sinh - Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế đã phát hiện 31 (8,0%) bệnh nhân lao không kháng thuốc và 03 (0,8%) trường hợp lao đa kháng trong số 386 bệnh nhân được làm xét nghiệm Truenat và Expert MTB/RIF. Nhờ vậy, bệnh viện Trường đã chẩn đoán sớm các bệnh nhân lao và chuyển đến cơ sở điều trị bệnh lao (Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế, Khoa Phổi - Bệnh viện Trung ương Huế), hạn chế lây lan bệnh lao trong môi trường bệnh viện và công đồng.Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Chương trình Chống Lao Quốc gia và tổ chức FIT về trang thiết bị, hoá chất - sinh phẩm cũng như tập huấn cho đội ngũ cán bộ khoa lâm sàng trong khâu lấy mẫu bệnh phẩm và kỹ thuật viên Khoa Vi sinh để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để phát hiện sớm các ca bệnh lao giúp điều trị kịp thời và hạn chế lây lan bệnh lao.
Trân trọng cảm ơn Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế đã đồng hành, hỗ trợ chuyên môn trong thực hiện các mẫu bệnh phẩm không nằm trong phạm vi thực hiện của Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế theo hướng dẫn của CTCLQG.
Tài liệu tham khảo