1. Đặt vấn đề
Nghiệm pháp bàn nghiêng được sử dụng rộng rãi trên thế giới để chẩn đoán nhiều nguyên nhân gây ngất, qua đó có phương pháp điều trị và dự phòng ngất phù hợp cho bệnh nhân.
Ở tư thế đứng, máu có xu hướng dồn xuống chân, điều này ít nhiều làm cho lượng máu lên não giảm đi. Bình thường cơ thể tự điều chỉnh lượng máu lên não bằng cách tăng nhẹ huyết áp và nhịp tim (phản xạ phế vị). Nếu hệ thần kinh không không tự điều chỉnh được các phản ứng này sẽ gây thay đổi nhịp tim và huyết áp, gây ra các biểu hiện choáng váng, mệt, ngất. Trên cơ sở đó, những trường hợp đã từng bị ngất, nhất là ngất nhiều lần hoặc bị ngã nhiều lần mà không xác định được nguyên nhân thì có chỉ định làm nghiệm pháp bàn nghiêng (NPBN).
2. Chỉ định cụ thể:
- Ngất nhiều lần mà không do bệnh tim có sẵn.
- Đánh giá mức độ nhạy cảm với phản xạ ngất của bệnh nhân.
- Phân biệt ngất do phản xạ và ngất do tư thế.
- Phân biệt ngất và co giật trong động kinh.
- Bênh nhân bị ngã nhiều lần mà không rõ nguyên nhân.
- Phân biệt ngất do nguyên nhân tâm lý và bệnh lý.
3. Các bước tiến hành:
- Bệnh nhân và người nhà được giải thích kỹ càng về nguyên lý, cách thức tiến hành và các tình huống đáp ứng có thể xảy ra để có sự phối hợp tốt nhất.
- Bệnh nhân cần nhịn ăn uống 4 tiếng trước khi tiến hành nhằm tránh sặc thức ăn hoặc nước khi ngất.
- Bệnh nhân được để nằm ngửa trên 1 chiếc bàn có thể dựng đứng khoảng 70 ° và hạ nhanh về tư thế nằm ngang trong 10 giây. Mắc đai cố định ở gối, ở hông và ngang vai. Đặt đường truyền tĩnh mạch để xử trí thuốc nếu cần.
- Nghiệm pháp được tiến hành qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn thụ động (20 phút): dựng bàn dốc phía đầu 70°, theo dõi huyết áp, nhịp tim và các triệu chứng của bệnh nhân.
- Giai đoạn thuốc: Bàn vẫn ở tư thế dốc 70°. Xịt 1 liều Nitroglycerine 0,4 mg dưới lưỡi và tiếp tục theo dõi huyết áp, nhịp tim và các phản ứng bất thường nếu có của bệnh nhân.
4. Các tình huống thường xảy ra:
- Không có ngất, thường huyết áp tâm thu và tần số tim thay đổi ít: Nghiệm pháp bàn nghiêng âm tính.
- Không có ngất, huyết áp tâm thu và tần số tim ít thay đổi, nhưng có vài triệu chứng: chóng mặt, đau đầu, trống ngực, khó thở... rồi lịm đi: Giả ngất do tâm lý.
- Ngất kèm theo tần số tim và huyết áp tâm thu giảm nhanh và trở về bình thường nhanh khi nằm ngang: Ngất do phản xạ phế vị (vasovagal syncope).
- Ngất xảy ra sớm sau vài phút nghiêng bàn, kèm theo huyết áp tâm thu giảm nhanh khi ngất và trở về bình thường nhanh khi nằm ngang; tần số tim ít thay đổi: Ngất do tụt huyết áp ở tư thế đứng.
- Nhịp tim nhanh thêm ít nhất 30 lần/ phút (thêm 40 lần/ phút ở người < 19 tuổi), huyết áp thay đổi ít, có hay không có triệu chứng: Cơn tim nhanh ở tư thế đứng.
5. Kết luận:
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã có hơn mười năm triển khai với hàng trăm trường hợp thực hiện các thủ thuật chẩn đoán và điều trị ngất. Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao đã được đào tạo và tu nghiệp chuyên sâu tại nhiều trung tâm y tế lớn, chuyên sâu trong nước và các nước phát triển (Mỹ, Đức, Hàn Quốc...) sẽ giúp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ngất an toàn và chính xác. Hiện chỉ có bệnh viện Đại học Y Dược Huế và một số ít bệnh viên ở Việt Nam có thể thực hiện nghiệm pháp hiệu quả này.
Thông tin liên hệ
- Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, 41 - 51 Nguyễn Huệ, TP Huế.
- SĐT: 0234 221 6888.
Ths.Bs. Nguyễn Vũ Phòng
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế